(Webtretho)
Bệnh tật là điều không ai muốn, nhưng cũng không có ai cả đời chẳng ốm
đau gì. Thay vì cầu mong mình khỏe mạnh, bạn hãy tìm cách phòng bệnh và
tăng cường hệ miễn dịch cho bản thân, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng một
vài loại thuốc để có thể can thiệp kịp thời, mau chóng đẩy lùi bệnh tật.
Bạn rất dễ dàng có thể mua được các loại
thuốc (không kê toa) tại các nhà thuốc nhưng thế không có nghĩa là bất
cứ lúc nào bạn cũng “xẹt” ra mua được. Cách tốt nhất đó là mua sẵn thuốc
về giữ trong tủ thuốc gia đình. Nhưng nên mua thuốc gì đây? Nhiều gia
đình làm tủ thuốc rất lớn chứa đủ thứ từ dầu cù là đến cao trăn, mật gấu
nhưng rốt cuộc vẫn thiếu nọ thiếu kia, để đến lúc đau bụng nhức đầu lại
vẫn phải ra đường tìm thuốc.
Mời bạn cùng Webtretho tìm hiểu thêm để có thể có được 1 tủ thuốc gia đình toàn diện nhất nhé.
1. Nên xây dựng tủ thuốc gia đình thế nào?
Nên đặt tủ thuốc ở đâu nhỉ? Bạn thấy trên
nhiều phim, người ta cứ vào phòng tắm mở tủ lấy thuốc uống, nhưng thế
là sai hẳn đấy nhé. Phòng tắm hoàn toàn không phải là nơi lý tưởng để
đặt tủ thuốc gia đình bởi trong đó thường có nhiều hơi nước, ẩm và ấm,
dễ khiến thuốc giảm chất lượng và bị hỏng. Vậy thì nên đặt tủ thuốc ở
đâu? Câu trả lời cho bạn là bất cứ nơi đâu có nhiệt độ ổn định, thoáng
mát và tránh ánh nắng trực tiếp; nếu nhà bạn có con nhỏ, tủ thuốc này
nhất thiết phải ở trên cao, ngoài tầm với của các bé và có chốt khóa.
Tuy nhiên cũng đừng đặt tủ thuốc ở nơi quá khó tiếp cận.
Lau dọn tủ thuốc và khu vực xung quanh ít
nhất 1 lần/ năm. Sắp xếp tủ thuốc ngăn nắp và khoa học để khi cần là
có, tránh phải đổ hết cả tủ ra rồi mới có được viên thuốc mình cần vào
lúc nửa đêm cấp bách.
Hãy bỏ đi:
• Bỏ những thuốc đã quá hạn sử dụng, nếu
bạn không thấy hạn dùng thì vẫn hãy bỏ đi sau 6 tháng. Các thuốc đã quá
hạn sẽ không chữa được bệnh cho bạn nữa mà còn có thể gây hại thêm, đặc
biệt nếu chẳng may rơi vào tay trẻ nhỏ;
• Bỏ đi các thuốc mà bao bì, vỉ, lọ đã bị
hư hại, nứt vỡ hoặc không còn bao bì gốc (bạn cần giữ và bảo quản thuốc
trong đúng bao bì của chúng để tránh tuyệt đối tình trạng dùng nhầm
thuốc);
• Bỏ đi các thuốc thấy đã chuyển màu hay thuốc viên có vẻ đã chuyển thành bột, thuốc nước trông thấy bị đục hay kết tủa;
• Bạn cũng nên thận trọng khi bỏ đi các
viên thuốc cũ. Có ý kiến cho rằng nên đổ chúng vào bồn cầu và giật nước
cho trôi để tránh con nhỏ hay vật nuôi trong nhà bạn nhặt được, nhưng
cách làm này cũng gây nên một số lo ngại cho môi trường nước; nếu bạn
bảo đảm được con bạn hay vật nuôi sẽ không bén mảng đến gần thùng rác
thì tốt nhất gói những vỉ thuốc này lại và vứt vào đó.
Những viên
thuốc nhiều màu rất dễ khiến trẻ con tưởng nhầm là kẹo, nên bạn cần rất
cẩn thận khi cất giữ cũng như khi vứt chúng đi (Ảnh: Getty Images)
Hãy thêm vào
• Hãy nhớ bổ sung các loại thuốc cần
thiết, nhiều bạn sau khi dọn tủ thuốc và bỏ đi những thứ hết tác dụng
xong lại thường quên nhập lại thuốc mới;
• Với những chai thuốc nước, nên chọn
loại chai có nắp đậy “chống-trẻ-con”. Hãy chuẩn bị những loại thuốc được
đặc chế dành cho trẻ em chứ đừng mua thuốc dành cho người lớn rồi tự ý
giảm liều khi cho con uống;
• Lên danh sách những loại thuốc và dụng
cụ y tế cần mua theo nhu cầu của gia đình mình, bạn chẳng cần mua và trữ
thuốc cao huyết áp làm gì nếu nhà bạn không ai có nguy cơ và tiền sử bị
cao huyết áp.
2. Trong tủ thuốc nhà bạn cần có những gì?
Tốt nhất bạn hãy hỏi ý kiến của bác sĩ về
các loại thuốc trước khi chọn mua; và sau đó, khi sử dụng bạn cần đọc
kỹ nhãn thuốc, thành phần và hướng dẫn sử dụng – đây là việc cực kỳ quan
trọng, nhất là với những loại thuốc có thể mua không cần toa và thuốc
cho trẻ em. Ngoài ra bạn cũng cần quan tâm đến các tác dụng phụ có thể
xảy ra khi dùng thuốc để có sự chuẩn bị trước.
12 loại thuốc cơ bản mà bạn cần có trong nhà mình gồm:
• Thuốc giảm đau, giảm sốt, giảm sưng viêm (non-Steroid),
bao gồm các loại như Paracetamol, Tylenol, Aspirin… Mỗi loại thuốc có
liều lượng, thành phần, mức độ công hiệu không hoàn toàn giống nhau;
không chỉ vậy, các hoạt chất như ibuprofen, acetaminophen có trong các
loại thuốc này cũng là thành phần phổ biến trong thuốc ho, cảm, dị ứng…
nên bạn cần đọc kỹ nhãn thuốc trước khi dùng với các loại thuốc khác để
tránh vô tình uống quá liều quá liều.
• Thuốc cảm, ho, siro ho
có bán nhiều tại các nhà thuốc và khi mua không cần toa, nhưng chúng
cũng có nhiều tác dụng phụ nên cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, đặc biệt
là trước khi cho con trẻ hay thai phụ sử dụng.
Các chuyên gia
khuyên bạn nên ngừng sử dụng loại nhiệt kế thủy ngân truyền thống để
chuyển sang dùng nhiệt kế điện tử an toàn hơn (Ảnh: Getty Images)
• Dụng cụ y tế:
Nhiệt kế là thứ nhất thiết cần có, để bạn kiểm tra và theo dõi nhiệt độ
của các thành viên trong nhà khi bị sốt. Ống nhỏ giọt, thìa hoặc cốc
đúng tiêu chuẩn để lường thuốc cũng cần thiết bởi chiếc muỗng cà phê mà
bạn thường dùng không phải lúc nào cũng chính xác. Túi chườm nóng / lạnh
giúp làm giảm cơn đau bụng, giảm sưng, hạ sốt. Ngoài ra bạn còn cần máy
đo huyết áp, dụng cụ hút mũi, miếng dán hạ sốt, kéo sạch, nhíp…
• Dầu xanh và các loại kem, gel giúp giảm đau nhức (lưng, chân, vai…) như Salonpas.
• Các loại thuốc sát trùng và các thuốc mỡ kháng sinh để chống nhiễm trùng khi bị trầy xước cũng như để làm sạch các dụng cụ y tế khi cần dùng đến.
• Bông, băng, gạc, băng cá nhân nhiều kích cỡ cũng rất cần thiết để bạn lau chùi và che chắn vết thương của mình, tránh khói bụi, vi khuẩn bên ngoài.
• Thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nhỏ tai, nước muối sinh lý…
• Thuốc dị ứng, thuốc / kem bôi chữa bỏng.
• Kem / thuốc chữa và ngừa côn trùng đốt; Vaseline, thuốc mỡ
giúp làm lành những vùng da, môi bị nứt nẻ hoặc để bôi một lớp mỏng ở
mũi để giảm xót, giảm xước do việc dùng khăn giấy chùi khi bị cảm cúm sổ
mũi (nhưng hãy bảo đảm đừng bôi vào trong mũi con).
• Các loại thuốc đường tiêu hóa (tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, khó tiêu…), than hoạt tính, oresol…
• Các loại thuốc riêng của từng thành viên
được trữ theo tiền sử bệnh của người đó (thuốc hen, xoang, cao huyết
áp, thuốc chữa đau bụng kinh…) cũng như các loại thuốc mà từng thành
viên đang phải sử dụng theo toa – các loại thuốc này nhất thiết cần được
để ở ngăn riêng, trong hộp có dán tên thành viên đó.
• Dán hoặc treo cạnh tủ thuốc hướng dẫn
xử trí trong những trường hợp khẩn cấp như bị bỏng, bị đột quỵ… Dán danh
sách các số điện thoại khẩn cấp, số điện thoại của bệnh viện, bác sĩ
gia đình để có thể gọi hỏi thông tin cấp kỳ. Bạn cũng nên ghi cả địa chỉ
và số điện thoại của chính mình để tránh trường hợp luống cuống không
thể suy nghĩ cho rõ ràng.
3. Cần đặc biệt thận trọng với những thứ thường có trong tủ thuốc của các gia đình:
• Aspirin: Bạn
tuyệt đối không được cho trẻ con dùng aspirin nếu không có chỉ định của
bác sĩ bởi loại thuốc này có liên quan đến hội chứng Reye nguy hiểm, có
thể gây tử vong ở trẻ nhỏ. Và không chỉ với trẻ nhỏ mà Aspirin cũng cần
rất thận trọng khi dùng cho người lớn
• Nhiệt kế thủy ngân:
Các bác sĩ nhi khoa khuyên bạn nên thay loại nhiệt kế thủy ngân bằng
nhiệt kế điện tử bởi loại nhiệt kế cũ khi bị vỡ có thể gây nhiều nguy
hiểm (cả về vật lý lẫn hóa học).
Lưu ý rằng tủ thuốc gia đình chỉ dùng để
chữa những triệu chứng bệnh vặt chứ không thể thay thế việc điều trị lâu
dài; khi có dấu hiệu lạ hoặc bạn đã uống thuốc một vài lần mà vẫn chưa
hết bệnh thì cần đi khám bác sĩ.
Định kỳ kiểm tra lại tủ thuốc gia đình là
một cách đơn giản để bạn có thể “khống chế” những cơn đau bệnh nhẹ, và
là cách đơn giản để gia đình bạn an toàn và khỏe mạnh hơn đó. Hãy chú ý
nhé!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét